Bạn định nghĩa thế nào là thành công? Có phải thành công đơn thuần chỉ là hoàn thành thêm một nhiệm vụ nữa, làm tốt một việc nữa, là giữ được một lời hứa, thi đỗ một kì thi, dành được một tấm bằng khen hay là chinh phục được một đỉnh núi?
Quan điểm của ta về thành công có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của ta. Thời đại ngày nay, xu hướng của một thế giới tiêu thụ khiến ta tin rằng thành công được tính bằng những gì ta có được: ta càng có nhiều thì ta càng thành công. Và nhiều không chỉ là nhiều về đồ đạc, tiền bạc hay tài sản, mà còn là nhiều về danh tiếng, người hâm mộ hay địa vị xã hội.
|
Rất nhiều người tin rằng thành công bằng với ‘Nhiều Thêm nữa’ bởi họ tin rằng thế giới này là một chốn khan hiếm, rằng không có đủ cho tất cả mọi người sống sung sướng… Điều này dẫn đến rằng anh phải giằng co vật lộn để mà tồn tại, và phải tích cóp để mà giàu có. Có nghĩa là mục đích cuộc sống nghiêng về việc tồn tại nhiều hơn.
Nói về khía cạnh thỏa mãn cá nhân thì anh càng được nhiều, anh sẽ càng thấy hạnh phúc. Chính vì vậy mà còn rất ít chỗ để chia sẻ với người khác và con người ta đi đến chỗ giành giật với nhau không thương tiếc để có được phần của mình.
Ta có một niềm tin cố hữu rằng đời là một khu đất hoang mọc đầy bụi rậm nơi chỉ có người mạnh nhất mới phát đạt nổi, và những ai thắng cuộc trong trò chơi này sẽ được vỗ tay tán thưởng. Thế còn người khác thì sao? Khỏi phải nghi ngờ vì sao trên đời lại có lắm lòng thù hận, tham lam, ghen ghét đố kị, tham nhũng, đầu cơ tích trữ, thao túng, nghiện ngập, xung đột mâu thuẫn và đau khổ đến thế!
Ngay cả hệ thống giáo dục cũng được thiết kế để sản sinh ra những con người với nhân cách và kĩ năng được định hình và phát triển để sản xuất, bán và tiêu thụ ‘nhiều hơn nữa’.Sự phát triển kinh tế là thước đo thành công của một quốc gia.
Thế nhưng ta lại cứ tiếp tục lờ đi mối liên hệ giữa triết lí về ‘nhiều hơn nữa’ với những đau khổ, lạm dụng và suy sụp với những cấp độ chưa từng thấy đang diễn ra rộng khắp trong các mối quan hệ giữa con người với con người.
Có những người cho rằng vì ta có điện thoại nên giờ đây dễ dàng trao đổi liên lạc thông tin với nhiều người ở nhiều nước hơn trước đây. Nhưng thông tin về cái gì? Những biểu tượng điện tử ư? Những túi dữ liệu ư? Những thông tin nguội ư? Đó có thực sự là giao tiếp hay không: có mang được hơi ấm con người trong đó hay không?
Ngày nay, số người phát triển mối quan hệ mật thiết với những ‘đồ chơi công nghệ’ hơn là quan hệ với nhau ngày một gia tăng. Giao tiếp ảo có vẻ như an toàn hơn: một chiếc máy tính anh bảo gì nó sẽ làm nấy và con người ta cảm thấy mình kiểm soát được nhiều hơn. Họ sẽ không phải đối mặt với những thách thức khôn lường thể nào cũng xảy ra trong quan hệ ‘thật’. Nhưng liệu có đủ không nếu chỉ chăm chút nhau ở cấp độ trái tim, tâm trí và tinh thần?
Vậy thì thành công thực sự có nghĩa là gì? Ở cấp độ nào, trong hoàn cảnh nào và với những tiêu chí của ai? Nếu ta dừng lại ở câu hỏi này đủ lâu thì nó sẽ thách thức ta và mời mọc ta nhìn nhận lại và có thể là xem lại những giá trị cốt lõi của mình. Nghĩa là có thể ta phải thay đổi lối suy nghĩ của mình, thay đổi những mục tiêu đã đề ra và thay đổi những gì ta làm.
Trong khoảnh khắc, hãy hình dung rằng từng phòng học trong các trường học trên khắp thế giới dành ra một năm để thảo luận và bàn luận về cầu hỏi ‘Thành công là gì?’ Hãy hình dung rằng con em chúng ta được khích lệ suy nghĩ thật sâu sắc về những gì các em muốn vì lợi ích của chính mình trong cuộc sống.
Không phải là ngày nào cũng làm như vậy, mà là một chủ đề để thường xuyên trở lại và khám phá. Các con em của chúng ta sẽ nói gì với chúng ta? Và liệu ta có đủ kiên nhẫn và tin tưởng để lắng nghe và học hỏi từ chúng hay không?
Thay vì áp đặt cho chúng những niềm tin và định nghĩa mang tính kế thừa, liệu ta có đủ khiêm nhường để khích lệ và khơi mở những thảo luận của chúng và lắng nghe những gì chúng nói hay không? Hay là theo trực giác ta biết rõ rằng chúng sáng suốt hơn ta và vì thế chúng sẽ thách thức những thói quen dễ chịu của ta? Liệu ta có sợ hãi nếu như sự thông tuệ của chúng định nghĩa thành công nghĩa là sống giản dị hơn, ân cần hơn, chu đáo hơn, quan tâm và chăm sóc hơn không? Liệu ta có thấy được truyền cảm hứng hơn khi chúng định nghĩa thành công, không phải là thái độ tích lũy và sở hữu vật chất, mà là một thái độ sống dâng tặng và với một cách tiếp cận mang tính nhân văn hơn dựa trên các giá trị như tôn trọng, yêu thương, phục vụ, cũng như liêm chính, thật thà và trung hậu không?
Nếu ta cho mình thời gian để khám phá câu hỏi này, ta sẽ đi đến một kết luận công bằng hiển nhiên rằng thành công không phải là một thứ vật chất: đó không phải là cái có thể sở hữu được, mà là một trạng thái tinh thần.
Ta có thể gọi đó là sự mãn nguyện hay hạnh phúc, hay thậm chí bình yên.
Đây chính là những biểu hiện sâu sắc và ý nghĩa nhất về thành công. Nếu đúng là như vậy, nghĩa là nếu niềm hạnh phúc và cảm giác mãn nguyện của ta phụ thuộc vào của cải sở hữu, những mối quan hệ đặc ân đặc quyền, hay địa vị xã hội, thì chúng sẽ biến mất khi những điều kiện đó biến mất. Mà ta thì đang sống trong một thế giới nơi mọi thứ đều có thể thay đổi ngay sáng ngày mai.
Điều này xảy ra với rất nhiều người. Cuộc sống của ta về bản chất là sự hòa trộn giữa chiến thắng và thất bại, giữa được và mất: địa vị ngày một bất ổn trong bối cảnh nền kinh tế khôn lường và biến động.
Ở cấp độ cảm xúc, con người xuất hiện trong đời ta nhưng một ngày kia lại đi đường của họ. Ở cấp độ tinh thần, những niềm tin, quan niệm và những điều đoan chắc mà ta đã xây dựng và nuôi dưỡng gần như suốt cả cuộc đời có thể bị những kinh nghiệm và khám phá mới đặt nghi vấn. Vậy còn thành công thì sao?
MIKE GEORGE